Các thông số đánh giá mức lọc cầu thận và chức năng thận trong lâm sàng đã và đang sử dụng có thể là: đo độ thanh thải creatinin nội sinh, uớc tính theo Cockcroft & Gault và ước tính theo MDRD (Modification of Diet in Renal Disease).
Định lượng nồng độ: ure, creatinin/ (huyết thanh, huyết tương hoặc nước tiểu),.. Với những thông số trên cách đánh giá đôi khi có những sai biệt nhất định so với mức lọc thực của cầu thận. Độ thanh thải Inulin được xem là chính xác vì ít phụ thuộc vào khối cơ, khối mỡ thừa và những yếu tố khác.
Gần đây một số công trình nghiên cứu chứng minh rằng trị số cystatin C có thể đánh giá mức lọc cầu thận (GFR) cho kết quả chính xác hơn những thông số vẫn dùng trước đây.
1. Cystatin C là gì?
Cystatin C là một proten có trọng lượng phân tử 13 kDa, được sản xuất từ hầu hết các tế bào có nhân trong cơ thể. Do trọng lượng phân tử nhỏ nên cystatin C có thể dễ dàng chui qua màng lọc cầu thận và bị giáng hoá tại thận cụ thể là ở các tế bào ống lượn gần của thận.
Người ta thấy cystatin C có trong máu, dịch não tủy, sữa và một lượng rất ít trong nước tiểu.
Chức năng của cystatin C:
Là điều hoà hoạt động của cystein protease, cụ thể là ức chế enzym này trong một số quá trình sinh học trong cơ thể. Ở người khoẻ mạnh với chức năng thận hoạt động tốt, cystatin C được lọc qua màng cầu thận và thận sẽ giữ lại cystatin C, glucose và một số chất khác trong quá trình lọc.
Đồng thời đào thải một số chất khác như ure, creatinin và một số chất hoà tan khác ra khỏi thận qua đường niệu quản xuống bàng quang và được bài tiết ra khỏi cơ thể đó là nước tiểu.
Do cystatin C luôn được sản xuất tại các tế bào trong cơ thể và được chuyển hoá tại thận (cystatin C không trở lại máu nữa) một cách đều đặn và như vậy nồng độ của cystatin C cũng luôn được giữ ở mức ổn định khi chức năng thận vẫn còn tốt và hoạt động đều đặn.
Trong trường hợp chức năng thận bị tổn thương, mức lọc cầu thận suy giảm, những chất cần đào thải tăng lên trong máu trong đó phải kể đến như cystatin C.
Trị số bình thường của cystatin C:
Nồng độ trong huyết tương và huyết thanh cũng tương tự là 0,8- 2,5 mg/l.Trong dịch não tuỷ là 4-14 mg/l và trong nước tiểu với nồng độ rất nhỏ khoảng 0,03- 0,3 mg/l (trị số này có thể khác nhau do phân tích bằng các phương pháp khác nhau)
Từ các kết quả nghiên cứu trên lâm sàng phối hợp với các phòng xét nghiệm đã cho thấy: cystatin C là một protein trong huyết thanh mà có giá trị như một chỉ tố sinh học (biomarker) trong thăm dò chức năng thận, đặc biệt mức lọc cầu thận (glomerular filtration rate - GFR). Tiện ích cho lâm sàng của cystatin C đến nay đã được xác nhận
2. Những ích lợi của cystatin C- một chỉ tố sinh học mới
Với các bệnh tại thận:
Do trọng lượng phân tử thấp nên cystatin C dễ dàng lọt qua màng lọc cầu thận, nồng độ cystatin C trong máu có liên quan với mức lọc cầu thận. Khác với creatinin trong máu, nồng độ cystatin C trong máu không phụ thuộc vào tuổi, giới, cân nặng, chiều cao và khối cơ của người bệnh.
Trong một số trường hợp, trị số creatinin huyết thanh sẽ không phản ánh sự tương thích với tình trạng người bệnh trên lâm sàng (mặc dù không có sai sót trong kỹ thuật phân tích hoá sinh), ví dụ với một bệnh nhân mắc bệnh thận có kèm mắc bệnh xơ gan, bệnh béo phì, người dinh dưỡng kém hoặc người có khối cơ bị giảm nhiều,...
Trong những trường hợp này, cystatin C đặc biệt hữu ích giúp cho việc phát hiện sớm bệnh thận trong khi các thông số cũ như ure, creatinin, thanh thải creatinin có thể hầu như bình thường.
Trong các trường hợp các bác sĩ nghi ngờ chức năng thận của người bệnh bị suy giảm nhưng các kết quả thăm dò cũ như creatinin và mức lọc cầu thận cho thấy bình thường.
Sàng lọc bệnh thận tiềm ẩn ở những bệnh nhân trứơc khi chụp mạch thận (UIV) hoặc mạch máu có bơm thuốc cản quang
Hỗ trợ rất tốt cùng với các thông số khác như creatinin, độ thanh thải creatinin, mức lọc cầu thận trong sàng lọc và theo dõi tổn thương chức năng thận ở những bệnh nhân có nghi ngờ tổn thương thận, người suy thận cấp và mạn.
Các bệnh ngoài thận:
Giúp ích trong đánh gía và theo dõi các bệnh nhân có nguy cơ gia tăng các bệnh về tim mạch (rối loạn chuyển hoá lipid, béo phì, đái tháo đường,..) đột qụy và theo dõi chức năng thận ở người cao tuổi.
Với nhóm người có tích tụ các yếu tố nguy cơ cao về tim mạch đồng thời có trị số cystatin C cao sẽ có tỷ lệ mắc suy tim, đột qụy và thậm chí tử vong cao hơn hẳn so với các nhóm khác có cùng nguy cơ nhưng có trị số cystatin C ở mức trung bình hoặc thấp.
Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến nồng độ cystatin C:
Có một số phương pháp cũng như nguyên lý đo nồng độ cystatin C, nhưng một số nghiên cứu gần đây thường dựa theo nguyên lý đo độ đục miễn dịch. Cũng như trên đã đề cập, trị số tham chiếu của cystatin C có thể khác nhau do những phương pháp phân tích khác nhau.
Tốt nhất mỗi phòng xét nghiệm hoá sinh nên nghiên cứu để xây dựng cho mình một trị số tham chiếu cho thông số này để các bác sỹ lâm sàng có thể nhận định kết quả được thuận lợi hơn. Khi nhận định kết quả phải chú ý đến một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến trị số cystatin C.
Cystatin C có xu hướng tăng trong: bệnh viêm gan tiến triển, tràn dịch màng phổi, một số bệnh khớp, một số bệnh ung thư (nhưng nồng độ cystatin C không tỷ lệ với số lượng và kích thước khối u), chứng tăng homocystein máu ở những bệnh nhân ghép thận, dùng corticoid liều cao dài ngày,..
Nồng độ cystatin C có thể giảm khi bệnh nhân đang dùng thuốc cyclosporin
Tóm lại: một trong những ý nghĩa lâm sàng có giá trị là nồng độ cystatin C trong máu có khả năng phản ánh mức lọc cầu thận (GFR) mà không cần phải trải qua bước tính toán như thông số mức lọc cầu thận.
Cystatin C có thể giúp sàng lọc bệnh thận rộng hơn và sớm hơn trước cả khi trị số creatinin tăng. Có khả năng cảnh báo những nhóm có nguy cơ cao về bệnh tim mạch, đột qụy và suy giảm chức năng thận ở bệnh nhân là người cao tuổ